Nghề muối ba khía là loại hình nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian. Chủ thể văn hóa là cộng đồng làm nghề muối ba khía ở thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.
Nghề muối ba khía gắn bó mật thiết với đời sống cộng đồng cư dân Cà Mau từ lâu đời. Nghề muối ba khía là một hành trang trên đường mở cõi về phương Nam của lưu dân Việt. Đến Cà Mau, do nguồn nguyên liệu tự nhiên dồi dào nên nghề muối ba khía đã phát triển mạnh.
Nghề muối ba khía phản ánh một phần công cuộc chinh phục thiên nhiên, tạo dựng cuộc sống của nhiều thế hệ nối tiếp nhau, gắn bó với con người trong đời sống hàng ngày. Về vật chất, nghề muối ba khía là một sinh kế quan trọng. Về tinh thần, nó là nghệ thuật ẩm thực và được thể hiện trong dân ca, đờn ca tài tử, tác phẩm văn học tạo nên sắc thái văn hóa riêng của vùng đất này.
Ba khía muối là món ăn dân dã của người Cà Mau. Ngày xưa, mỗi khi đi rừng, đi ruộng, người dân Cà Mau thường mang theo hành trang cho mình là một ít con ba khía đã muối hoặc ba khía trộn để lót dạ cùng với cơm trong lúc lao động. Khi mùa mưa, từ tháng 6 đến tháng 10 âm lịch là thời điểm khó kiếm thức ăn thì món ba khía muối là món chủ lực trong mỗi hộ gia đình. Cho đến nay, nhiều người dân Cà Mau xa xứ vẫn còn nhớ đến món ăn này, có nhiều người đi làm ăn xa, định cư ở nước ngoài cũng thường nhờ bà con, chòm xóm gửi cho để ăn dần.
Về kỹ thuật, nghề muối ba khía còn là tri thức dân gian trong ẩm thực, từ cách làm sạch nguyên liệu, công thức muối cho đến kinh nghiệm chế biến món ăn. Sự tài hoa của người muối ba khía thể hiện rõ ở kinh nghiệm pha chế độ mặn của nước muối. Nhạt quá ba khía sẽ hư; mặn quá, ba khía sẽ rụng càng, đen da, chát thịt; nếu nước muối lẫn nước mưa thì ba khía sẽ trở mùi…
Nghề muối ba khía Rạch Gốc được coi là một trong những nghề thủ công ra đời sớm ở Cà Mau. Qua thời gian, nghề muối ba khía gặp không ít những thử thách và biến động. Tuy nhiên, nghề muối ba khía vẫn khẳng định được thế mạnh, là một nghề thủ công truyền thống, mang lại hiệu quả nhất định trong đời sống kinh tế và xã hội của người dân trong vùng. Mặt khác, nguồn nguyên liệu ngày càng khan hiếm, biến đổi khí hậu là nguyên nhân ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của nghề muối ba khía truyền thống. Mặc dù vậy, với hình thức cha truyền con nối, ý thức giữ gìn nghề truyền thống trong cộng đồng cao và sản phẩm ba khía muối là một món ăn ẩm thực hấp dẫn trong đời sống Nhân dân hiện nay nên nghề muối ba khía vẫn được duy trì.
Hầu hết người dân xứ biển ở Cà Mau đều biết và thực hành được nghề muối ba khía. Riêng món ba khía trộn thì tùy theo khẩu vị mỗi người, mỗi gia đình mà có thể tăng giảm các thành phần gia vị như đường, chanh, tỏi, ớt…sao cho vừa khẩu vị.
Hiện nay, sản phẩm ba khía muối không chỉ được cộng đồng trong vùng ưa chuộng mà còn lan rộng ra nhiều địa phương trong nước và nước ngoài như: Campuchia, Thái Lan…
Nhằm bảo tồn và phát triển nghề truyền thống và giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là lao động vùng rừng ngập mặn, vùng ven biển, tỉnh Cà Mau xác định ba khía muối là sản phẩm đặc sản không những là sản phẩm tự sản, tự tiêu như trước đây mà xây dựng, phát triển thành thương hiệu trên thương trường, vì đây là món ăn độc đáo có một không hai đối với người dân Nam Bộ.
Hiện nay, tỉnh Cà Mau có hơn 400 hộ dân, với trên 1.200 lao động trực tiếp tham gia sản xuất ba khía muối, tập trung ở các huyện ven biển, nhiều nhất là 02 huyện: Năm Căn và Ngọc Hiển.
Ngày 20/12/2019, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký Quyết định số 4612/QĐ-BVHTTDL về việc đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Tri thức dân gian, nghề thủ công truyền thống Nghề muối ba khía, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.